Vai trò của chiến lược trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam Thắng_lợi_chiến_lược

Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất của nước Đại Việt dưới triều nhà Trần chống lại cuộc xâm lược của Đế quốc Mông Cổ, quân nhà Trần do vua Trần Thái Tông thân chinh thống lĩnh đã bị quân Mông Cổ dưới quyền Tướng Ngột Lương Hợp Thai đánh bại trong trận Bình Lệ Nguyên. Danh tướng Lê Phụ Trần đã khuyên nhà vua tổ chức lui binh,[6] và cuộc triệt thoái của Quân đội nhà Trần đã gặt hái thành công, khiến cho quân Mông Cổ bị thất bại hoàn toàn trong kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh và tiêu diệt quân chủ lực của Đại Việt. Sau đó, quân Mông Cổ chiếm được kinh thành Thăng Long nhưng triều Trần đã bỏ hoang kinh đô.[7] Cuối cùng, vua Trần tổ chức phản công và đại thắng trong trận Đông Bộ Đầu buộc quân Mông Cổ phải tháo chạy về nước.[6]

Một ví dụ khác, trong Chiến tranh Đông DươngChiến tranh Việt Nam, xác định đường lối chiến lược luôn là yếu tố tiên quyết cho thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cụ thể là:

- Xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân: dân quân tự vệ - bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực.

- Ở hậu phương của chiến tranh: phát triển đường lối quốc phòng toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính đồng thời ra sức tranh thủ viện trợ quốc tế. Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp tiến công và nổi dậy bằng hai lực lượng (chính trị và quân sự), với ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), đánh địch trên cả ba vùng chiến lược.

- Kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy của các binh đoàn chủ lực, phát huy chiến quả của các chiến dịch trước cho các chiến dịch sau

Do vậy dù luôn là bên yếu thế hơn và khó có thể chiến thắng quân viễn chinh Pháp và Mỹ trong các trận đánh quy ước, nhưng nhờ biết cách phát động các chiến dịch để tạo ra những thắng lợi chiến lược mà nhờ đó Quân đội Nhân dân Việt Nam lại là bên chiến thắng chung cuộc. Các chiến dịch tạo ra những bước chuyển chiến lược cho Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể kể đến như: Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, chiến dịch Hòa Bình năm 1952, Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch năm 1972, chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 12 ngày đêm năm 1972.